Nội thất ô tô

Tin tức

Kinh nghiệm lái xe đường dài cho người mới (Phần II)
Lái xe ở Việt Nam luôn được đánh giá có độ mạo hiểm cao hơn các...trò chơi mạo hiểm. Hiểu được điều này Nội thất ô tô Việt Anh xin được chia sẻ những kinh nghiệm cơ bản nhất về lái xe đường dài cho những tài xế mới cũng như những tài xe đã có nhiều kinh nghiệm nhưng đôi khi bỏ qua những điều nhỏ nhặt mà lại rất hữu ích.

13. Rẽ từ đường nhỏ ra đường lộ lớn


Khi rẽ vào đường lớn buộc phải quan sát thật kĩ các xe đang đi trong đường ưu tiên. Biển báo sinh ra là có lý do và chúng ta những người tham gia giao thông cần tôn trọng nó. Nếu ngồi bình thường mà nhìn không rõ thì nhoài người ra nhìn, nhoài người ra nhìn mà vẫn không rõ thì tốt nhất là quan sát phía sau trước rồi bước ra ngoài nhìn. An toàn là trên hết mà phải không? 

14. Rẽ vào quán ăn, quán nước bên đường và cách rẽ từ đó ra
Lại một tình huống rất quen thuộc trong các video trên mạng, mà lỗi 90% là thuộc về người rẽ. Một tình huống mà lái xe là người phải chủ động chủ động trong việc quan sát trước sau trái phải, chủ động trong việc giảm tốc xi nhan, mọi thứ phải được làm một cách chính xác nhất có thể.
Đương nhiên không ai có thể quan sát được các quán ăn từ khoảng cách xa nhưng nếu có lỡ đến gần mới nhìn thấy, và không lập tức rẽ vào được hãy cứ bình tĩnh đi quá lên 200-300m rồi lùi lại vẫn ok. Đừng quá lo lắng xe sau sẽ tông vào mông xe bạn, hãy lùi thật chậm, nếu đi từ 2 người trở lên thì có thể để một người xuống ra hiệu cho xe đang đi tới.

Chuyện nữa là lùi xe từ quán lùi ra đường. Nếu không có bảo vệ thì các bác cần lùi 1 tấc rồi thắng lại, rồi lùi thêm 1 tấc rồi thắng lại. Nhớ nhé. Chỉ cần lùi nửa mét mới thắng lại thôi thì đã có xe khác đang chạy trên đường ôm chầm lấy cái mông xe bác rồi.

Rồi từ lề xi nhan trái bắt đầu chạy. Các bác cần xi nhan trước rồi lấy trái thật thật chậm. Người xỉn không phản ứng kịp nếu các bác lách ra gấp đâu. Em đã từng bị một ông xỉn đâm phải vì em có xi nhan trái nhưng bẻ ra sớm quá. Kết quả là em bị móp xe mà ổng thì nghèo đành ngậm ngùi cho ổng đi tiếp.

15. Giữ khoảng cách an toàn

Đúng là nếu bác giữ đúng khoảng cách an toàn với xe trước, sẽ sớm có kẻ "điền vào chỗ trống". Rất, rất bực.

Những hạng tài xế không hiểu quy tắc an toàn đó ở đâu cũng có. Không cần phải bức xúc làm gì. Trong thành phố tốc độ chậm thì bám đuôi nhau còn chấp nhận được. Chứ đường lộ hay cao tốc mà bám đuôi nhau lỡ xe trước gặp chướng ngại vật nó lách qua thì mình không phản ứng kịp chỉ có thể tông trực diện vào chướng ngại vật, hoặc nếu xe trước thắng quá gấp thì xảy ra việc tông dồn toa. Việc này xảy ra ở VN hoài, hoài không dứt.

Bám đuôi là một hành động vô trách nhiệm, ngu dốt và ẩu tả. Đừng xếp mình chung với thể loại tài xế này nha các bác. Tốc độ càng cao, càng phải giữ khoảng cách.

16. Điện thoại, tin nhắn, chat, xem map trên đường

Em thú thật là chính em cũng chưa tự kiểm soát được mình trong vấn đề này. Nhưng em hiểu và chắc các bác cũng hiểu mức độ nguy hiểm của việc này không thua gì buồn ngủ lái xe.

Tuy nhiên đường quanh co đèo dốc và đường xe cộ vượt nhau tứ tung tốc độ cao thì em nhất quyết làm lơ cái điện thoại.

17. Lốp xe và các trang bị cần có:

Theo kinh nghiệm của em, lốp đã quá 60 ngàn cây, chạy xấp xỉ 90-100kmh trên đường giữa trưa trời nắng chang chang trong suốt 3 tiếng trở lên thì khả năng bùm của nó là rất cao.

Trong các trường hợp khác thì không quá đáng ngại. Nhưng cần nhớ thêm: chở nặng thì bơm thêm hơi, chở nhẹ thì xì bớt ra. Đúng áp suất tiêu chuẩn thì xe đầm bám đường, căng quá thì vừa xóc vừa dễ trượt bánh, ít hơi quá thì tốn xăng mà dễ hư bánh. Đừng tin vào mấy thằng thợ vá bánh xe, chúng thường bơm quá áp suất lốp tiêu chuẩn. Trước khi bắt đầu hành trình dùng cái cục kiểm tra áp suất lốp (mua 100 ngàn ở An Dương Vương) để xì ra hay bơm thêm cho đúng chuẩn của xe. Bơm điện giá khoảng 1 triệu mua sẵn để bơm lốp khi cần thiết (bơm này lấy điện từ ổ điện 12v của xe)

Ra mấy tiệm ắc quy gần chợ dân sinh mua cặp dây điện để nối bình 2 xe. Lỡ xe đi xa vô tình hết bình vì quên tắt đèn chẳng hạn nên xe không khởi động được, thì ngoắc anh taxi vào, lôi cặp dây điện ra, nối từ bình ắc quy của anh ấy vào bình của mình, để anh ấy nổ máy và mình vặn chìa khởi động thì sẽ ok thôi.

À quên, sau khi xe mình nổ máy xong, anh taxi đã rời đi và mình chuẩn bị tiếp tục hành trình thì đừng có quen tay tắt máy xe đi nhé. Nếu không thì oh siệt... Phải kêu thêm anh taxi khác nữa rồi.

Bác nào chạy xe gầm cao hay bán tải và thích đi vào những nơi xa xôi rừng rú thì mua thêm cọng cáp kéo xe. Lỡ giữa hoang vu mà mắc lầy thì còn có thể nhờ xe khác giúp kéo ra được chứ không có cáp thì đứng nhìn nhau e thẹn chứ biết làm gì?

Lưu ý: *** khi cứu xe mắc lầy bằng cáp, các bác phải trang bị kiến thức và kỹ năng an toàn tối thiểu. Đừng để sợi dây đang bị căng với lực kéo vài tấn bứt ra khiến vật thể kim loại nào đó bay theo ra với tốc độ của quả đạn khiến cho người nào đó dính phải thương tật. Cũng đừng dại mà đứng gần chỗ hai xe đang kéo nhau nếu không muốn qua đời với lý do lãng xẹt. Cần nhớ: điểm đầu cuối hay giữa của sợi dây phải luôn chắc chắn. Luôn đem theo xẻng gấp (xẻng xếp được, mua ở các cửa hàng đồ điện nước) để dưới ghế để khi mắc lầy thì xách ra đào bánh xe. Chớ dại mà vội cố kéo xe ra đống lầy khi chưa đào bánh.

Cái xẻng gấp cũng rất hay, khi cần có thể giúp nhiều việc cấp bách. Đôi khi có thể dùng làm vũ khí phòng thân để tránh chó dại ở những nơi hoang vu hay tối trời. Khi vào bụi đi lái mà sợ có thể dùng xẻng khua khoắng mở đường trước để rắn rết bỏ chạy hết. Nếu gặp cướp hay kẻ côn đồ thì dùng xẻng để chống đỡ và bỏ chạy (chứ không dùng để đe doạ hay đánh nhau với chúng nhé các bác)

Nếu gặp tình huống sương mù quá nặng trên đèo vào ban đêm thì nên dừng giữa đường, ngủ trong xe qua đêm đợi sương tan, bẻ cành cây thật to để xa phía trước và sau xe để an toàn. Chớ dại mà cố đi tiếp, lao xuống vực lúc nào không hay đó. Bác nào đi đèo núi ban đêm nhiều nên gắn thêm đèn sương mù, hoặc nếu không gắn thì mua sơn màu vàng cam sơn lên đèn sương mù theo xe. Ánh sáng vàng giúp chiếu xuyên sương mù trong khi ánh sáng trắng sẽ chỉ phản chiếu làm loá mắt. Khi gặp sương mù, mở công tắc đèn mi (để đèn chính không sáng), rồi vặn mở công tắc đèn sương mù. Đi trong sương mù, chỉ cần đèn sương mù, chứ đèn trước là vô nghĩa mà còn làm chói mắt thêm.

Kể chuyện cho vui, có lần em bị kẹt trên đèo như tình huống ở trên. Vui lắm, mưa ào ào cả đêm, gió thổi ầm ầm làm cái xe nặng 2.3 tấn rung lắc như cái hộp giấy, suốt từ 6h tối tới 5h sáng, nguyên cái đèo trước sau 100km chẳng có bóng xe cộ nào, tối thui. Ngủ cứ trằn trọc, trời lạnh buốt xương ít nhất phải 15 độ, tròng 3 cái áo vẫn run. Nửa đêm mắc... Sợ áo quần ướt không còn mà mặc nên phải làm Adam lao ra ngoài xe để giải quyết mà... mãi mới dứt điểm được. Sau lần đó, em tránh mấy cái đèo hoang vu khỉ ho cò gáy ra vào ban đêm, và tậu thêm đèn sương mù.

18. Tính toán thời gian để đến nơi
Làm chủ được thời gian chạy xe, những điều này thì các lái già đã quá quen rồi nhưng những lái mới thì lại chưa nắm thực sự rõ. Ví dụ các bác đi tuyến Lào Cai – Hà Nội chẳng hạn, nghĩ trong đầu thì từ Sapa về đến Hà Nội thì trung bình hết khoảng 4,5 – 5 tiếng , đó là trong điều kiện lý tưởng, tức là đường thông hè thoáng, đi xe một mạch, không xảy ra vấn đề gì. Nhưng sẽ có những lúc đi trên đường mà chúng ta sẽ mất thời gian vào một việc gì đó, hoặc do đường đông mùa du lịch không đi nhanh được. Ví dụ tính toán ban đầu thì đi từ Sapa về lúc 5h chiều tính là đến 10h là về đến nhà rồi nhưng xảy ra việc gì đó 11h vẫn chưa tới nơi mà “mắt em nhắm lại, không thể thêm nhẫn nại” là chết dở rồi.
Vì vậy trước khi “off road” thì phải tính toán thật kĩ , lên lịch trình cụ thể, đang thời gian cao điểm du lịch thì đi có đông không, vợ con mình nheo nhóc thế thì dừng lại bao lâu để nghỉ ngơi thì ổn, tính toán cả xem những tình huống bất ngờ có thể xảy ra như chểt ắc quy, nổ lốp… nói chung cứ đi sớm sớm 1 chút cho chắc.

19. Chó mèo, rắn, gà vịt, trâu bò

Là những vật thể không ý thức được sự nguy hiểm của đường sá.

May mắn một điều là, chúng ta chỉ thiệt hại khi tông trúng con vật to. Càng to, thiệt hại khi đâm trúng càng lớn. Như con bò có thể làm móp capo xe, vỡ kính chắn gió, còn con chó thì chỉ có thể làm rớt cái cản trước ra.

Và may thay, vật càng to ta càng dễ phát hiện từ xa.

Nếu phát hiện động vật từ xa và nó đủ to để ta phát hiện kịp thời, ta rà thắng.

Ta có thể nhìn thấy một con bò cách xa 200m nhưng chỉ có thể phát hiện con chó cách chừng 50m. May phước, con chó biết né nhanh hơn con bò. Gặp chó thì nên bấm thêm kèn. Gặp bò thì không nên, bấm kèn làm chúng hoảng chạy lung tung.

Còn động vật nhỏ và siêu nhỏ như con gà, con rắn con cóc thì... Không cần chạy chậm lại, không cần đánh tay lái né, không cần thắng lại, cứ phang thẳng. Vì sao? Vì chúng quá nhỏ, khi ta phát hiện ra thì chúng đã ngay dưới bánh xe ta rồi. Bất cứ một phản ứng bất ngờ nào để tránh né chúng đều gây nguy hiểm cho ta.

Có người nói, ta không nên sát sinh, nên cố né. Thật không? Né thử vài lần xem ta còn sống để làm việc thiện hay không? Mạng ta hay mạng nó quan trọng?

20. Né chướng ngại vật

Quan điểm của em là: đã đường xấu thì chẳng thể chạy nhanh. Mà đã chạy chậm thì né thoải mái.

Còn hễ chạy nhanh và xe khác trên đường cũng nhanh thì vì đường tốt. Nhưng đường tốt mà bất chợt có một cái mố cầu, một cái hố, hay một đống phân bò thì làm thế nào?

Hố có thể làm hư phuộc nhún xe hay làm bể bánh. Phân bò có thể làm xe mất thẩm mỹ khi tới nơi. Mố cầu có thể làm mọi người trong xe đánh đầu với trần xe.

Nhưng nếu ta lách tránh chúng quá gấp mà xe khác không né kịp thì có lẽ chúng ta sẽ không tới nơi.

Vì vậy, ta chỉ nên rà nhẹ thắng và phang thẳng vô chúng. “chạy ngay đi, trước khi, mọi việc dần tồi tệ hơn” :v :v.
 
Như vậy là đã kết thúc bài viết về những vấn đề cơ bản khi lái xe đường dài, qua bài viết này Việt Anh Auto hy vọng có thể giúp các tài xế có thêm kinh nghiệm để chạy xe được an toàn hơn.
Các bạn có thể đọc phần 1 qua link: Kinh nghiệm lái xe đường dài cho người mới(phần I)
Bài viết có tham khảo từ những trang web trên mạng.

Nội thất ô tô Việt Anh chuyên cung cấp các đồ chơi cho xe như:  DVD Androi Fuji theo xe ViosDVD Androi Fuji theo xe CamryDVD Tesla Fuji theo xe Land Cruiser, Start stop cho các xe thông dụng, Camera 360 độ FUJI...

Với hơn 10 năm kinh nghiệm, chúng tôi tin rằng, mình sẽ làm hài lòng tất cả những khách hàng khó tính nhất. Hãy đến với chúng tôi, bạn sẽ cảm nhận được điều đó!
 
Website: noithatotovietanh.com
Hotline: 0926.11.5555
Hệ thống showroom trên toàn quốc
Địa chỉ 1: Số 28 Nhân Mỹ, Mỹ Đình, Hà Nội (Sau cung thể thao dưới nước) - 092 333 2222
Địa chỉ 2: Số 10 Trung Yên 10A, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội - 088 655 3333
Địa chỉ 3: Số 15 ngõ 15, phố Bằng Liệt, phường Hoàng Mai, Hà Nội - 0926 55 4444
Địa chỉ 4: Số 2821 đại lộ Hùng vương, phường Vân Cơ, Việt Trì, Phú Thọ - 0923 555 222
Địa chỉ 5: Số 107 đường Xã Tắc, P. Tân Quang, TP Tuyên Quang - 097 613 0888
Địa chỉ 6: Số 194 - Việt Hưng - Long Biên - Hà Nội - 0904 8888 79
Địa chỉ 7: số 178 - đường Hà Huy Tập - Thành phố Hà Tĩnh  -09.666.74.555
Việt Anh Auto - Phục vụ tận tâm - Thành công bền vững
 

Scroll To Top